Nghệ thuật xăm bước ra từ bóng tối như thế nào
Chỉ cách đây vài thế hệ, chuyện xăm trổ là điều cấm kỵ vì nó đi ngược lại với sự răn dạy của đạo Khổng, rằng người ta phải trân trọng cơ thể mình. Thậm chí từng có lời nguyền: “Mày đáng bị xăm!”. Trong những năm 1980, chính phủ Hàn Quốc bắt những người đàn ông có hình xăm trên người vì cho rằng họ liên quan đến các hoạt động phi pháp.
Viyah Lee từng coi 5 hình xăm của cô như những tấm phù hiệu bí mật của sự nổi loạn: một hình khóa sol ở tai, tên cô trong đốm hình da báo ở hông trái, hình nữa ở cổ tay và hai mắt cá chân.
Giờ đây, cựu người mẫu 26 tuổi này sẵn sàng bước ra khỏi bóng tối. Chống lại định kiến lâu đời và quy định chỉ các bác sĩ mới được làm việc này, Lee thiết kế hình xăm cho bản thân và dự định sẽ xăm vào nơi nổi bật như cổ hoặc vai.
“Những hình này là nghệ thuật chứ không phải quy trình y tế. Các bác sĩ không phải là nghệ sĩ” Lee nói.
Lee đang tham gia chiến dịch nhằm thay đổi quan niệm cũ của người Hàn Quốc về xăm mình, món từ lâu được coi là chỉ dành riêng cho xã hội đen.
Khi giới trẻ nước này ngày càng say mê xăm mình và coi đó là mốt, các nghệ sĩ xăm đang kêu gọi các nhà lập pháp sửa luật năm 2001 trong đó quy định đây là quy trình y tế.
“Chúng tôi đang đi đúng hướng”, Kang Un, 38 tuổi, giám đốc hiệp hội xăm Hàn Quốc nói. Anh ước tính có khoảng 22.000 nghệ sĩ xăm bất hợp pháp trên cả nước này. “Giữa luật và thực tế là khoảng cách lớn”, Kang nói.
Chỉ cách đây vài thế hệ, chuyện xăm trổ là điều cấm kỵ vì nó đi ngược lại với sự răn dạy của đạo Khổng, rằng người ta phải trân trọng cơ thể mình. Thậm chí từng có lời nguyền: “Mày đáng bị xăm!”. Trong những năm 1980, chính phủ Hàn Quốc bắt những người đàn ông có hình xăm trên người vì cho rằng họ liên quan đến các hoạt động phi pháp.
Theo luật Hàn Quốc, những người có hình xăm to và quá rõ ràng không được phép nhập ngũ bởi họ có thể khiến những người đồng đội “khinh ghét”. Nhiều nghệ sĩ xăm bị bắt vì xăm cho những người sắp phải nhập ngũ để họ tránh quân dịch.
Ngành công nghiệp xăm Hàn Quốc gần như hoạt động ngầm. Hầu hết các hiệu xăm không có bảng hiệu để tránh bị cảnh sát phát hiện. Những cơ sở bị phát giác sẽ bị tịch thu hết máy móc và số tiền phạt có thể lên đến 10.000 USD.
Kang cho biết nghề xăm được quảng bá năm 2003 khi trong trận bóng giữa đội Hàn Quốc và Nhật, cầu thủ Hàn Ahn Jung-hwan cởi phăng áo sau khi ghi bàn và để lộ hình xăm trên cả hai vai. Hình ảnh đó được phát trên đài truyền hình quốc gia.
Nghề xăm bước ra từ bóng tối
“Nó cho thấy những người xăm mình không phải là tội phạm hay côn đồ. Anh này là huyền thoại thể thao”, Kang nói.
Cho Hyun-soul, giáo sư Đại học Quốc gia Seoul đồng thời là tác giả cuốn “Lịch sử xăm mình”, cho rằng thái độ của người dân nước này đang dần thay đổi. “Điều này cần được hợp pháp hóa và được chấp nhận ở Hàn Quốc”, ông nói.
Đối với Viyah Lee, sự chấp nhận đến rất từ từ. Lúc đầu bố mẹ cô phản đối kịch liệt hình xăm trên mắt cá chân cô với dòng chữ “Vinh quang cho Chúa”.
“Bố tôi không thèm nói gì, có nghĩa là ông vô cùng giận. Mẹ tôi bảo tôi đến bệnh viện xóa nó đi. Tôi nói với bà rằng xóa nó đi còn tốn tiền hơn xăm”, Lee kể lại.
Lâu lâu sau khi Lee trở thành nghệ sĩ xăm, bố cô mua tặng hộp mực giá 500 USD. “Lúc đầu chúng tôi phản đối sự lựa chọn của con bé, nhưng dần dần ủng hộ nó. Nó có niềm đam mê với môn này và giờ chúng tôi tôn trọng công việc của nó”, bà Park Jong-shil, mẹ của Lee, nói.
Leave a Reply